Đã từ rất lâu các nhà hàng hải phương Tây đã xác định vùng quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands – bao gồm cả Trường Sa), thường được gọi là bãi Cát Vàng trên biển Đông thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.
Trong số hàng trăm bản đồ cổ do phương Tây thực hiện từ thế kỷ XV đến XIX đã được tìm thấy, hầu hết đều ghi rõ Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được gọi tên chung là Paracel, bờ biển Parasel là ở Trung Bộ Việt Nam.
Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người đầu tiên của châu Âu có những mô tả về quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XIV. Nhiều nhật ký hải trình của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha thời đó đã nói về một dải đá ngầm Pulo Pracela (các bãi ngầm san hô) rất nguy hiểm, bao quát cả vùng Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay và đã được các nhà hàng hải xác định nó thuộc Giao Chỉ (Cochinchine – tức Giao chỉ gần nước Tần-Chine) và ghi bờ biển Paracel (Costa de Paracel) thuộc duyên hải Quảng Ngãi ngày nay.
Bản đồ Đông Nam Á của anh em nhà hàng hải Hà Lan Frère Van Langren (1595) ghi nhận ngoài khơi Việt Nam có một vùng quần đảo với nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng tây nam, gọi tên là Paracels cùng với rất nhiều chi tiết địa hình của miền Trung Việt Nam ngày nay. Chẳng hạn, đối diện với quần đảo Paracels trên đất liền có bờ biển ghi là Costa de Paracels (bờ Paracels), ở ngoài biển còn có Pulo Canton (Lý Sơn) thuộc địa phận Quảng Ngãi.
Trong bản đồ Đông Nam Á vẽ năm 1606 của Jodocus Hondius xuất bản tại Amsterdam, tác giả vẽ hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cái cờ đuôi nheo uốn quanh Đại Việt và Champa, đuôi dính liền với các đảo vùng Phan Thiết ngày nay. Đối diện với quần đảo – và trên lãnh thổ Việt Nam được viền màu vàng – là tên “Costa de Paracel” – bờ Paracel.
Trên một số bản đồ, địa danh Hoàng Sa còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Chẳng hạn, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 thể hiện quần đảo Farael (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (Phú Quốc) được vẽ riêng.
Trong bản đồ do W.Blaeu vẽ năm 1645, quần đảo Farael (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchine (Đàng Trong)….
Bản đồ Carte d’une partie de la Chine, les Isles Philippines, de la Sonde, Moluques, de Papoesi, &c thuộc tập Atlas nouveau contenant toutes les parties du monde do nhà xuất bản Covens & Mortier xuất bản tại Amsterdam năm 1760 và hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Australian thì phần Paracel được in màu xanh viền cùng với màu của xứ Đàng Trong và đã xuất hiện biên giới phân chia Đàng Ngoài, Đàng Trong.
Đặc biệt, tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin, do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, có ghi hàng chữ Paracel seu Cát Vàng (nghĩa là Paracel hoặc là Cát Vàng) khẳng định chủ quyền Việt Nam.
Cũng chính Giám mục Taberd viết trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes, xuất bản năm 1833, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa: Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chúng tôi biết chắc chắn là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thu quần đảo Hoàng Sa và vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong.
Nhật ký Batavia (1636) của Công ty Đông Ấn (Hà Lan) có chép về sự kiện các tàu biển thuộc Công ty Đông Ấn bị nạn tại quần đảo Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong: Năm 1634, dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), ba chiếc tàu Hà Lan tên Veehuizen, Schagen và Grootebroek, từ Batavia đi Formose (Đài Loan) thì gặp bão, chiếc tàu Grootebroek bị đắm gần quần đảo Paracels, thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào duyên hải xứ Đàng Trong xin được hỗ trợ. Sau đó, họ được phép trở lại Paracels nhưng bị tịch thu tiền bạc bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong, sau đó họ được 3 chiếc tàu khác tên là Bommel, Goa và Zeeburg chở về Batavia. Hai năm sau, dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), thương gia Abraham Duijeker đi Thuận hóa yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm và đòi số tiền bạc đã bị tịch thu. Chúa Thượng tiếp đón rất nồng hậu và chấp thuận cho người Hà Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, vì vậy từ năm 1636, một thương điếm của người Hà Lan đã được thiết lập tại Hội An.
Nhật ký tàu Amphitrite (năm 1701) có viết: Tàu nhổ neo, gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang mỏm đá Paracel. Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó-Nó trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina…
Ghi chép của Bá tước M.d. Estaing năm 1754: Kinh thành Huế được xây dựng trên bờ một con sông, khi nước triều lên thì các luồng của tàu có thể tới đó được. Không có thành luỹ gì cả, chỉ được bao quanh bằng một bức tường gạch đơn giản cao khoảng 8, 9 bộ, chung quanh có một nơi để rất nhiều đại bác… số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy đem về từ các vụ đắm tàu trước kia ở quần đảo Paracels.
Cuốn Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào thời vua Gia Long khẳng định năm 1816, vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels: Xứ Cochinchine, mà Quốc Vương ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà… và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816 vị Hoàng đế đương kim đã tiếp nhận quần đảo này.
Cuốn Bách khoa địa lý hiện đại (Geografia moderna universale) của G.R. Pagnozzi xuất bản năm 1823 dành nhiều trang nói về vương quốc An Nam có đề cập đến Paracels (Hoàng Sa). Sách Địa lý tóm tắt (Compendio di Geografia) của nhà địa lý người Ý là Adriano Balbi, xuất bản năm 1850, nêu rõ vương quốc An Nam có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor… Cũng trong tác phẩm này tác giả có viết về địa lý Trung Hoa nhưng không hề nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, nhiều tấm bản đồ cổ về Trung Quốc của phương Tây xuất bản đều thể hiện Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: Bản đồ China do Adam và Charles Black vẽ cho bộ sách The Encyclopaedia Britannica, do Nxb. Edinburgh ấn hành năm 1876; bản đồ China, ấn hành năm 1883; bản đồ China and Japan, ấn hành năm 1896; bản đồ Siam and the Malay Archipelago do The Times Atlas (London, Anh) xuất bản năm 1896; bản đồ Route map showing from St. Petersburg to Guft of Tongking, ấn hành năm 1900…thì phần lãnh thổ Trung Quốc được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng và ở phía nam luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Điều này khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ có Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều tài liệu lưu trữ của Anh và Pháp còn ghi nhận về vụ tai nạn tàu Bellona của Đức tại Đá Bắc (1895) và tàu Imeji Maru của Nhật tại cụm An Vĩnh (1896) tại quần đảo Hoàng Sa. Ngư dân đảo Hải Nam Ngư (Trung Quốc) ùa ra cướp kim loại ở khu vực tàu đắm. Do hai tàu này mua bảo hiểm của một hãng bảo hiểm tại Anh nên Chính phủ Anh đã phản kháng hành động này của Trung Quốc vì không đảm bảo được an ninh hàng hải. Chính quyền Trung Quốc trả lời là họ không chịu trách nhiệm, vì Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc và về hành chính các đảo đó không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam và không có nhà chức trách đặc biệt nào phụ trách về an ninh trên các đảo đó. Sự kiện này càng khẳng định sự phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX.
Giáo sư công pháp và khoa học chính trị Monique Chemillier Gendreau thuộc Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu khẳng định: “Các triều đình phong kiến Việt Nam có giấy chứng thực chủ quyền từ thế kỷ XVI, đặc biệt là trong thế kỷ XVIII. Họ đã tổ chức quản lý các quần đảo này thông qua các đội tàu biển. Theo mùa, các đội tàu này đến các đảo để khai thác tài nguyên thiên nhiên và của cải từ xác các con tàu đắm trôi dạt vào. Họ còn dùng nhiều biện pháp như trồng cây để bảo đảm cho các vùng đó bớt nguy hiểm hơn cho các tàu bè qua lại. Người ta đã tìm thấy bằng chứng trong chiếu chỉ của vua Minh Mạng về việc này. Trong luật quốc tế, đó là những bằng chứng của chủ quyền.”
Tất cả những chứng cứ nêu trên chứng tỏ từ thế kỷ XV, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam (mà bấy giờ họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Annam…). Cũng chính những tài liệu trên đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc./.
Nhóm HS lớp 10A7 st.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét