Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII.

Từ rất lâu người Việt Nam đã phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII đã rất có ý thức xác lập chủ quyền và thực tế đã tổ chức nhiều hoạt động khai thác tài nguyên, thực thi chủ quyền trên các quần đảo này một cách hiệu quả, lâu dài.

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông có sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông của 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chính. Những năm 1172-1173, nhân một cuộc đi tuần để quan sát núi sông và đời sống nhân dân, vua Lý Anh Tông có ra lệnh cho các quan soạn ra bản địa đồ nước ta. Đời Trần, ngoài cuốn An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong đó có phần dành cho địa chí, theo các nhà nghiên cứu có khả năng còn có cuốn sử Việt ghi chép về địa lý nước ta như Việt sử Cương mục, Đại Việt Sử ký… Ngoài ra còn nhiều cuốn sử ký và địa lý nước ta cũng như nhiều cuốn sách quý khác từ đầu thế kỷ XV trở về trước bị quân Minh tiêu hủy hoặc mang về Kim Lăng.

Đời nhà Lê có quyển sách địa lý đầu tiên của người Việt Nam là cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi. Kế đến, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Lê Thánh Tông có ra lệnh cho các quan thân trấn thủ xem xét địa hình núi sông hiểm trở thuộc địa phương mình vẽ thành bản đồ giao cho Bộ Hộ để lập thành bản đồ của lãnh thổ Đại Việt. Cuốn Thiên Nam Từ Chí Lộ Đồ Thư (hay Toàn Tập An Nam Lộ) của Đỗ Bá tự Công Đạo được soạn vẽ theo lệnh Chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), căn cứ vào những chi tiết thu thập được từ thế kỷ XV. Có thể xem đây là một trong những tài liệu xưa nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam còn tồn tại đã ghi phần chú thích bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam với nội dung: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dặm, rộng 20 dặm. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hoá thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn (Chúa Nguyễn) mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu hồi hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

Chi tiết lịch sử này đã chứng tỏ một cách hùng hồn các hoạt động xác lập chủ quyền của người Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Vì nếu quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước khác thì không thể có chuyện hàng năm, theo từng thời kỳ nhất định, hàng đoàn thuyền của người Việt cứ đều đặn ra Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) để chở hàng hoá quý giá về một cách ngang nhiên không bị ai phản ứng. Trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được ghi nhận là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, những tư liệu lịch sử còn sót lại cho thấy muộn nhất là vào thế kỷ XV đến thế kỷ XVII người Việt Nam đã từng ra vào Bãi Cát Vàng. 


Bản đồ bờ biển Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do người Hà Lan vẽ năm 1754. 


Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) viết năm 1776 là tài liệu cổ mô tả chi tiết nhất về Hoàng Sa, chép rất rõ những hoạt động của đội Hoàng Sa ở phía Bắc, năm thứ 18 (1753) niên hiệu Càn Long có 10 lính Hoàng Sa bị bão trôi dạt vào cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Viên quan địa phương tra xét rõ nguyên nhân xong liền cho thuyền áp chở những người lính Hoàng Sa trở về nguyên quán. Điều này chứng tỏ từ xưa chính quyền Trung Quốc vẫn luôn tôn trọng quyền hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã không hề có phản ứng nào về những hoạt động của đội Hoàng Sa mà còn giúp đỡ những người lính Hoàng Sa khi họ gặp bão trôi dạt vào đất Trung Quốc.


     Một trang trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục 
của Lê Quý Đôn có đoạn nói về đảo Hoàng Sa.

Nhóm HS lớp 10A7 st.
                 
                
                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét